Site icon UK88

Nhà văn Trung Sỹ: “Nợ văn là cái nợ đời”

Nhà văn Trung Sỹ: "Nợ văn là cái nợ đời" - Ảnh 1.

Năm 2017, Chuyện lính Tây Nam của tác giả có bút danh “rất lính” – Trung Sỹ – xuất hiện và ngay lập tức được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Năm 2022, một lần nữa anh gây bất ngờ với tập truyện dài Thung lũng Đồng Vang dành cho độc giả nhỏ tuổi. Giải thưởng văn học thiếu nhi 2022 của Hội Nhà văn Việt Nam dành cho cuốn sách này là phần thưởng xứng đáng.

Một tin vui nữa, đoạn trích trong Thung lũng Đồng Vang được đưa vào sách Tiếng Việt 5, tập 1, bộ Cánh diều, với tựa Hạt nảy mầm.

Như trở lại với tuổi thơ

* “Thung lũng Đồng Vang” là tập truyện dài tạo được sự bất ngờ khi anh rẽ qua viết cho thiếu nhi. Lý do lớn nhất để anh viết tập truyện này là gì?

– Ai trong chúng ta cũng có một tuổi thơ với cha mẹ, bạn bè, hoặc làng quê thân thuộc và luôn đau đáu nhớ về nó khi đã trưởng thành. Viết về nó, tôi thấy chẳng có gì là bất ngờ. Khi cô Minh Phúc – biên tập viên NXB Trẻ – nhắn tôi viết một cuốn cho các cháu đi anh, thì tôi viết luôn, thậm chí giống như một phản xạ tất nhiên.

Tôi thấy đây không phải là ngoại lệ. Lev Tolstoy viết Chiến tranh và hòa bình nhưng cũng viết Thời thơ ấu. Maxim Gorky viết Người mẹ và cũng có Thời thơ ấu. Henryk Sienkiewicz viết Quo Vadis, Hiệp sĩ thánh chiến cũng viết Trên sa mạc và trong rừng thẳm. Ngay ở nước ta, Tô Hoài với các bộ sách dàyTruyện Tây Bắc, Cát bụi chân ai, Chiều chiều… vẫn có Dế Mèn phiêu lưu ký. Tôi quan niệm chỉ có văn học, văn chương nói chung, chứ không có văn học viết cho thiếu nhi.

* Với đoạn trích “Hạt nảy mầm”, anh có kỷ niệm nào khi viết không?

– Bác họ tôi là bà trưởng Yên, thường mua xôi cho tôi ngày bé, cũng là người đầu tiên bảo với tôi hạt gấc trong gói xôi vẫn nảy mầm. Tôi đã thử trồng trong bể đất giếng trời ngôi nhà phố ngày ấy. Quả nhiên nó mọc tốt và ra trái.

Viết chương Hạt nảy mầm, tôi luôn nhớ đến bà. Trước năm 1954, bà ở 12 phố Đồng Xuân, có xe ô tô và tài xế riêng, những năm về sau bà buôn thúng, bán mẹt chanh ớt, gia vị ở chợ Hàng Bè.

* “Hạt nảy mầm” là một đoạn được ráp lại từ các mẩu không liền mạch và có biên tập lại so với cuốn sách đã phát hành. Anh nói gì về điều này?

– Các nhà giáo dục biên tập lại đoạn văn theo mục đích truyền thụ kiến thức và giới hạn dung lượng cho phù hợp với một bài học của họ, theo tôi cũng không có gì là lạ.

* Đọc những cuốn “Chuyện lính Tây Nam”, “Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu”…có thể rất dễ hình dung một người lính hoặc một thanh niên Hà Nội viết văn với bút danh Trung Sỹ, nhưng không dễ hình dung khi anh viết về thiếu nhi. Hãy tả về nhà văn Trung Sỹ khi đắm chìm trong các trang viết cho thiếu nhi?

– Tôi viết Thung lũng Đồng Vang trong phòng thờ, lúc nhà tôi đang sửa chữa. Tiếng máy khoan, máy trộn rầm rĩ, bụi mù, mà dường như không nghe thấy gì, bởi bị hút vào chính câu chuyện mình đang viết, như sự trở lại với tuổi thơ…

* Vậy, độc giả sẽ tiếp tục được đọc các tác phẩm thiếu nhi của anh trong tương lai không xa chứ, đã có bản nào hoặc kế hoạch nào chưa ạ?

– Tôi đang “nợ” Trại sáng tác văn học thiếu nhi Phú Yên do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức một cuốn sách đã viết được vài chương, còn khi nào trả xong thì chưa biết. Nợ văn là cái nợ đời. Nói “không có văn học viết cho thiếu nhi”, mà vẫn viết, không nợ đời thì còn nợ gì?

* Có cảm giác như những ký ức cứ nằm ngổn ngang và “không để anh yên”, đến một ngày anh phải viết ra. Đây có phải lý do mà anh viết văn khá muộn?

– Ai cũng có những ký ức, tóm lại là những chuyện không thể quên. Có người có khả năng kể lại, có người không. Tôi không phải là anh thợ cạo của vua Midas mà một mình ra kể với rặng liễu ven sông. Tôi kể công khai với mọi người.

Chất men lãng mạn

* Hẳn anh còn nhớ rất rõ tâm trạng của mình khi vừa đặt chân đến Hà Nội sau hơn 4 năm đi lính trở về. Khi đó, anh nghĩ gì và đã làm gì đầu tiên?

– Tôi đặt chân lên thềm nhà đúng chiều 23 tháng Chạp, cận Tết Quý Hợi. Tôi chỉ muốn lăn ra ngủ một giấc, vì mấy ngày đi tàu thao thức, song cuối cùng thì đi ăn phở. Nhà tôi hồi đó ở số 77 Phùng Hưng, là hàng phở Đức Khôi (còn gọi là Khôi xoăn) bây giờ.

* Chiến tranh tưởng chừng làm phai đi bao nhiêu lãng mạn, mộng mơ của tuổi trẻ, nhưng thật may, khi đọc “Chuyện lính Tây Nam” độc giả vẫn thấy tác giả không thể giấu được chất lãng mạn. Anh là như thế chăng – luôn nhìn thấy cái đẹp, cái tình nằm lẫn trong sự khắc nghiệt?

– Tuổi trẻ nào cũng luôn có một chất lãng mạn chảy trong tâm hồn, kể cả phải sống trong những hoàn cảnh gian lao, khốc liệt. Khát vọng sống, sinh lực sống, tình yêu cuộc sống tự thân nó đã là chất men lên hương đem lại cho ta hương rượu lãng mạn ấy.

Tôi không phải đệ tử tôn sùng Sigmund Freud, nhưng cần phải nói chất lãng mạn của tuổi trẻ không chỉ là điều có sẵn trong tiềm thức Chúa ban cho con người, mà Chúa còn ban cho khắp muôn loài. Con chào mào thanh xuân hót vang hơn, con nghé vực nghịch ngợm hơn, cô thiếu nữ đến kỳ trổ mã tóc óng ánh hơn… Tất cả đó là do nguồn nhựa sống đang dâng bởi chất men lãng mạn này.

Hòa bình trở lại, những người lính còn sống trở về với những vết thương trên thân thể. Tôi nhớ một câu trong tập truyện Kiếm sống của Maxim Gorky: “Trên một khuôn mặt quá nhẵn nhụi thì những vết sẹo cũng là một thứ trang điểm”. Nên ăn những lá rau có sâu đục, vì đó là rau lành. Hãy ăn những quả bị chim rỉa, vì đó là những quả ngọt. Những mớ rau mướt mát hoặc những quả vỏ láng trơn biết đâu toàn bị bơm thuốc kích thích hại người. Tôi nói với bạn câu này với tư cách là người lính đã trải qua chiến trận trở về.

“Không có áp lực trở thành nhà văn”

* Chuyện lính hoặc chuyện Hà Nội thời bao cấp… trước anh đã có nhiều người viết, anh có chút băn khoăn hoặc bị áp lực nào khi viết không?

– Tôi đã đọc rất nhiều chuyện chiến tranh từ hồi còn đi học, thấy không giống nhiều những thứ mình đã trải qua, nên viết lại, để góp thêm một tiếng nói chân thành của một người lính trận thực sự, cho mọi người hiểu cái giá của hòa bình.

* Anh có định mở rộng biên độ đề tài của mình, về những thứ nằm ngoài ký ức của mình cho những cuốn sách trong tương lai không?

– Chuyện này tùy duyên thôi. Nó như đi câu cá vậy.

* Anh có bao giờ đặt câu hỏi vì sao cuốn sách đầu tay của mình nhanh chóng được bạn đọc đón nhận vậy không?

– Tôi biết chắc bạn đọc sẽ đón nhận Chuyện lính Tây Nam, cuốn sách đầu tay. Nhà xuất bản Thanh niên in 1.000 bản, tháng sau sách đã hết sạch, nên liền tái bản. Biết, bởi trước đó tôi đã được người đọc mạng chờ đợi từng ngày những câu chuyện chiến tranh tôi kể.

* Ý nghĩa của việc viết văn với anh trong những ngày đầu và bây giờ có khác nhau không?

– À, tất nhiên là có khác. Trước tôi viết bởi sự thôi thúc của cuộc chiến quá khứ nó đè nặng trong lòng. Không thể không viết. Nay tôi viết thư thả hơn, bởi áp lực đã được giải tỏa, thậm chí không viết nữa cũng chẳng sao. Tôi không có áp lực trở thành nhà văn.

* Cảm ơn anh.

Tên khai sinh Xuân Tùng, sinh năm 1960 tại Hà Nội.

Năm 1978, anh tốt nghiệp trung học và sau đó trở thành người lính trong cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam. Các sách đã xuất bản: Chuyện lính Tây Nam; Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu; Đội trinh sát và con chó Sara; Thung lũng Đồng Vang…

Sau thành công của Chuyện lính Tây Nam, nhà văn Trung Sỹ vẫn miệt mài với những trang sách được viết từ ký ức khác về chiến tranh và về Hà Nội thân thương của anh thời “mũ rơm, tem phiếu”… Thoạt đầu, có thể ngạc nhiên vì nhà văn của những ký ức khốc liệt, đau thương bỗng trong veo, hiền hòa với cuốn Thung lũng Đồng Vang vừa phát hành gần đây, nhưng ngẫm lại thì thấy khá hợp lý, bởi những người đã đi qua cuộc chiến thường biết cách viết nên những trang sách thanh bình.

Exit mobile version