Site icon UK88

Môn thể thao nào phụ nữ giỏi hơn đàn ông?

Môn thể thao nào phụ nữ giỏi hơn đàn ông? - Ảnh 1.

Đây rõ ràng là một câu hỏi khó trả lời, tuy nhiên trong những năm qua, các chuyên gia đã tìm ra những đáp án khả dĩ.

Vào tháng 8 năm nay, tờ Wired đã đưa ra đáp án 2 môn thể theo mà phụ nữ giỏi hơn đàn ông, dựa vào kết quả thi đấu ở Thế vận hội Olympic Paris 2024, đó là bắn súng, bơi lội đường trường. Trong khi đó, BBC Sport đưa ra môn thể thao khác là “Ultra marathon” hay còn gọi là chạy siêu marathon. Hãy cùng nhìn vào từng môn cụ thể này.

1. Bắn súng

Theo phân tích của tờ Wired ở môn bắn súng, phụ nữ có lợi thế lớn do khối lượng cơ thể và trọng tâm thấp hơn, nhờ vậy họ kiểm soát thăng bằng tốt hơn, đây cũng là yếu tố thể chất tác động lớn đến thành tích trong môn thể thao này.

Trong khi đó, nữ xạ thủ nổi tiếng của Hàn Quốc, Kim Ye-ji lại cho rằng với bắn súng, yếu tố tâm lý quan trọng hơn thể chất, điều vốn tạo sự khác biệt giữa nam giới và nữ giới trong thể thao. “Tôi tin rằng bắn súng là môn thể thao phụ thuộc nhiều vào tâm lý hơn là thể chất và các nữ xạ thủ có lợi thế hơn ở khả năng giữ bình tĩnh dưới áp lực”, Kim Ye-ji khẳng định.

Cách đây 2 tháng, tờ Guardian đặt ra khả năng khá thú vị rằng đã tới lúc tổ chức các nội dung thi đấu “mở” cho nam và nữ ở môn bắn súng hay chưa khi mà xét về thành tích thì có rất ít sự khác biệt giữa hai giới. Để có cái nhìn rõ nhất, Guardian đã đưa ra kết quả thi đấu nội dung súng trường hơi 10m hỗn hợp ở môn bắn súng tại Olympic 2024 khi các xạ thủ nữ đều có thành tích cao hơn người đồng đội nam giới.

Ngoài ra, nếu một vài môn thể thao vướng vào các tranh cãi liên quan đến VĐV chuyển giới thì bắn súng lại nằm ngoài các tranh luận. Liên đoàn bắn súng quốc tế (ISSF) thậm chí từng tuyên bố rằng: “Mặc dù ISSF muốn duy trì 2 hạng mục riêng biệt cho nam và nữ, nhưng bằng chứng từ các cuộc thi đấu cho thấy nam và nữ thường đạt được số điểm tương tự. Do đó, hạng mục nữ không cần phải được “bảo vệ” vì lý do công bằng”. Điều đó đủ cho thấy thành tích thi đấu của các nữ xạ thủ không hề kém cạnh đấng mày râu.

Nếu nhìn ngược lại lịch sử môn bắn súng ở Olympic, các xạ thủ nữ từng cạnh tranh sòng phẳng với các VĐV nam. Nữ xạ thủ Margaret Murdock nổi tiếng với thành tích giành HCB ở Olympic 1976. Thời điểm đó, chưa có nội dung riêng cho nữ ở môn bắn súng nên Margaret Murdock là một trong số ít nữ xạ thủ so tài với các đấng mày râu. Tại nội dung súng trường tiêu chuẩn, trong cuộc thi chung kết, Margaret Murdock và đối thủ nam của mình là Lanny Bassham đều bắn được 1.162 điểm nhưng Bassham giành HCV nhờ thành tích bắn ở 10 phát cuối cùng tốt hơn. Mặc dù vậy, Bassham vẫn bày tỏ sự khâm phục với Margaret Murdock và kéo nữ xạ thủ này lên đứng cạnh mình ở bục trao HCV.

2. Bơi lội đường trường

Năm 2020, tạp chí Swimming World đưa ra bài viết bất ngờ khi cho rằng phụ nữ có thể đánh bại đàn ông ở cuộc thi bơi đường trường. “Phụ nữ có nồng độ hemoglobin thấp hơn, cung cấp oxy ít hơn và không phát triển được nhiều sức mạnh cơ bắp. Do đó, trong các môn thể thao về tốc độ, phụ nữ còn rất lâu mới đạt được thành tích của nam giới. Tuy nhiên, bơi đường trường lại là một câu chuyện khác. Theo thời gian, các kình ngư nữ đã tiến gần hơn và thậm chí đã vượt qua nam giới”, Swimming World viết.

Bơi đường trường, thường được gọi là bơi marathon, là nội dung bơi với cự ly hơn 10km và thời gian hơn 6 giờ đồng hồ. Môn thể thao này có một số quy tắc khác với bơi ngoài trời thông thường: Các VĐV không được dừng lại, không được sử dụng áo bơi giữ nhiệt và không được nhận bất kỳ sự trợ giúp nào trong suốt cuộc đua. Một trong những cuộc thi bơi marathon đầu tiên được ghi nhận là khi Matthew Webb bơi qua eo biển Manche (33 km/20 dặm) vào năm 1875.

Phải đến năm 1926, nữ kình ngư người Mỹ, Gertrude Ederle mới trở thành người phụ nữ đầu tiên chạm đỉnh vinh quang ở nội dung này. Khi đó, Gertrude Ederle mới 19 tuổi và đã trở thành người lập kỷ lục với thời gian 14 giờ 31 phút, phá vỡ kỷ lục cũ là 16 giờ 33 phút, được thiết lập 3 năm trước đó bởi Enrique Tirabocci, nam kình ngư người Argentina.

Năm 2014, nghiên cứu của Beat Knechtle, Thomas Rosemann và 2 cộng sự khác với đề tài “Phụ nữ vượt trội hơn nam giới trong môn bơi đường trường” với phạm vi nghiên cứu là “Giải bơi marathon đảo Manhattan từ năm 1983 đến năm 2013”. Theo kết luận của nghiên cứu này, nữ giới lấn lướt hơn nam giới ở giải bơi có cự ly 46km tại đảo Manhattan. Kết quả cho thấy những kình ngư nữ xuất sắc nhất mỗi năm bơi nhanh hơn 12-14% so với những kình ngư nam xuất sắc nhất.

Tờ Wired giải thích: “Trong bơi lội đường trường, tỷ lệ mỡ cơ thể cao hơn của phụ nữ giúp họ điều chỉnh nhiệt độ cơ thể trong nước lạnh tốt hơn cũng như hỗ trợ khả năng nổi trên mặt nước. Thông thường, phụ nữ có diện tích bề mặt cơ thể nhỏ hơn so với nam giới, điều này cũng ảnh hưởng đến cảm giác lạnh mà các VĐV có thể cảm nhận”.

3. Chạy siêu marathon (ultra marathon)

Có không ít bài báo cho rằng phụ nữ giỏi hơn nam giới ở môn chạy siêu marathon, điều có thể khiến nhiều người bất ngờ. Tờ Fitnessfirst của Australia đã đưa ra khẳng định nói trên vào năm 2020 khi nhắc tới nghiên cứu chung giữa Hiệp hội chạy siêu marathon quốc tế và RunRepeat, một công ty đánh giá giày thể thao về các cuộc thi chạy siêu marathon trong 23 năm qua. Trong nghiên cứu lớn nhất từng được thực hiện về chạy siêu marathon, họ đã phân tích hơn 5 triệu kết quả từ 15.451 sự kiện chạy siêu marathon.

“Nghiên cứu cho thấy rằng các chân chạy nữ chạy ultra marathon nhanh hơn so với các VĐV nam trên các quãng đường dài hơn 195 dặm (314km). Dữ liệu cho thấy khi quãng đường dài hơn, khoảng cách về tốc độ giữa hai giới giảm dần cho đến khi phụ nữ vượt lên. Trong các cuộc chạy 5 km, nam giới chạy nhanh hơn 17,9% so với phụ nữ; tại quãng đường marathon, sự khác biệt chỉ còn 11,1%; trong các cuộc đua 100 dặm (161km), sự khác biệt giảm xuống chỉ còn 0,25%; và trên 195 dặm (314km), phụ nữ thực sự nhanh hơn nam giới 0,6%.

Nghiên cứu khác từ Đan Mạch vào năm 2018 cũng xác nhận kết quả này, cho thấy phụ nữ hơn nam giới 18,61% trong việc duy trì tốc độ ổn định và đều đặn khi so sánh kết quả ở phần chạy đầu và phần cuối của marathon. “Bạn chỉ cần nhìn vào những nữ VĐV xuất sắc như Samantha Gash, Lucy Bartholomew và Jacqui Bell để thấy rằng chạy ultra marathon thực sự là một môn thể thao của phụ nữ”, tờ Fitnessfirst kết luận.

Không phải ngẫu nhiên mà các chân chạy nữ lại giỏi hơn nam ở nội dung này. Tiến sĩ Nicholas Tiller, giảng viên cao cấp về sinh lý học ứng dụng tại Đại học Sheffield Hallam cho biết nhìn chung, ở phụ nữ có sự phân bố các sợi cơ co giật chậm nhiều hơn. Các sợi cơ này có khả năng chống mệt mỏi tốt hơn và phù hợp hơn với sức bền. Tuy nhiên Tille cho rằng nam giới với cơ bắp lớn hơn, khả năng hô hấp cùng với sức mạnh sẽ vượt trội nữ giới ở những cự ly như marathon.

Tháng 1/2019, chân chạy nữ người Anh Jasmin Paris trở thành người phụ nữ đầu tiên giành chiến thắng tại giải chạy Montane Spine dài 268 dặm (431km). Cô đánh bại tất cả các đối thủ nam và nữ của mình để hoàn thành đường chạy trong 83 giờ, 12 phút và 23 giây.

Vào tháng 5/2019, nữ VĐV Katie Wright, vốn là bác sĩ, đã đánh bại 40 người đàn ông và 6 chân chạy nữ để giành chiến thắng tại giải chạy siêu marathon Riverhead Backyard ReLaps ở New Zealand. Cô chạy gần như không ngừng trong 30 giờ.

Tháng 8/2019, cua-rơ nữ Fiona Kolbinger (Đức) đã trở thành người phụ nữ đầu tiên giành chiến thắng tại Giải đua xe đạp Transcontinental Race. Cô mất hơn 10 ngày để đạp xe gần 2.500 dặm (gần 4000 km) từ Burgas (Bulgaria) đến Brest (Pháp) để về đích đầu tiên trong số 265 người tham gia, trong đó có hơn 200 cua-rơ nam.

Exit mobile version