Site icon UK88

Hình tượng đẹp về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên sân khấu chèo

Hình tượng đẹp về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên sân khấu chèo - Ảnh 1.

Nhà hát Chèo Quân đội vừa công diễn vở chèo Đại tướng Võ Nguyên Giáp phục vụ bộ đội và nhân dân tại Thủ đô ngay những ngày đầu tháng 8 năm 2024. 

Đây là công trình nghệ thuật tri ân Đại tướng Võ Nguyên Giáp – một thiên tài quân sự của Quân đội nhân dân Việt Nam nhân kỷ niệm 113 năm ngày sinh Đại tướng (25/8/1911 – 25/8/2024); hướng tới chào mừng 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024).

1. Lần đầu đọc kịch bản của nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương, nhà phê bình sân khấu Nguyễn Thế Khoa đã khẳng định: “Đây là sáng tác đầy tâm huyết và táo bạo của tác giả Đăng Chương. Trên cơ sở dựng lên toàn cảnh về chiến thắng Điện Biên, tác giả dụng công làm sáng lên chân dung một Đại tướng Võ Nguyên Giáp chí nhân, chí dũng, văn võ toàn tài, người góp công lớn làm nên chiến công lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. 

Song, nhà phê bình sân khấu không khỏi nghi ngại, lo lắng trước một kịch bản đầy chất tư liệu, sự kiện lớn, nhân vật đông…, ê-kíp sẽ xử lý thế nào sang kịch bản chèo để đạt được hiệu quả mong muốn. Theo kịch bản, có gần 20 nhân vật là những con người có thật của lịch sử, sự kiện liên quan đến chiến dịch Điện Biên Phủ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Sau 2 tiếng xem vở chèo, nỗi lo được hóa giải, bừng sáng, khi nhà phê bình sân khấu thốt lên “Kịch bản của Nguyễn Đăng Chương đã được Nguyễn Đức Minh chuyển thể làn điệu chèo thành công, trở thành một vở chèo hay về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và chiến thắng Điện Biên. Vở diễn xứng đáng là công trình nghệ thuật chào mừng các sự kiện lớn của đất nước, quân đội trong năm 2024”.

2. Việc dàn dựng vở Đại tướng Võ Nguyên Giáp theo phong cách ước lệ của sân khấu chèo truyền thống gắn với sự kiện, nhân vật có thật là một áp lực không nhỏ với đạo diễn. NSND Nguyễn Quốc Trượng cho biết: “Khác với các vở diễn có thể hư cấu, nghệ thuật hóa, nhưng với vở diễn này là sự kiện lịch sử có thật nên chúng tôi phải bám sát lịch sử diễn đúng, diễn trúng, diễn chuẩn, nhằm ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng mà trực tiếp là Đại tướng – Tổng tư lệnh của Quân đội nhân dân Việt Nam”.

Bằng tâm huyết, tài năng, sự khéo léo, cả ê-kíp đã tìm ra hướng đi kết hợp nghệ thuật chèo với sự thật lịch sử, khái quát, tổng hợp các sự kiện lớn. Vở diễn có những đại cảnh hoành tráng ở mặt trận. Đó là những cảnh như: Đại tướng khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Trận này chắc thắng thì đánh, không chắc thắng không đánh”. Việc thay đổi phương án từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc” là một quyết định vô cùng khó khăn. Đó là một “Quyết định lịch sử” của Đại tướng… 

Xen vào giữa khung cảnh lớn hoành tráng ở mặt trận, đoàn dân công, trạm y tế… theo hướng sử thi anh hùng ca là những khoảnh khắc giàu chất trữ tình, đẹp như một bài thơ mà ở đó con người hiện lên với những nét bình dị, gần gũi, ấm áp, nhân văn. Nhiều trích đoạn như nốt lặng đã để lại bao cảm xúc cho người xem như: Cảnh gặp gỡ giữa nhân vật cô dân công Liễu với Tô Vĩnh Diện; cảnh Đại tướng thăm bệnh viện tiền phương, tiễn biệt chiến sĩ hy sinh, động viên từng thương binh mà xót đau vô hạn; cảnh người lính trước khi hi sinh mong muốn được nghe câu hát ru của mẹ… 

Nổi bật trong đó là cảnh đêm thanh vắng, Đại tướng nhớ thương, tâm sự với người vợ hiền ở hậu phương. Tiếng gọi “Hà ơi!” cất lên cùng giọng hát chèo truyền cảm đầy cảm xúc yêu thương: “Thương nhớ những ngày hai ta sum vầy/ Nâng cành hoa sữa trên tay/ Khóe mắt cay cay…”. Đại tướng tâm sự với hiền thê sau nhiều đêm trằn trọc, không ngủ vì việc nước canh cánh không yên và hôm nay: “Anh đã tìm ra cách phá thế trận Nava. Muôn dân đang mong chờ ngày chiến thắng…”. Ở hậu phương người vợ hiền cùng chung tâm trạng ấy. Tiếng hát ru con da diết yêu thương “Con ơi con ngủ cho ngoan/ Cha đi đánh giặc, giặc tan mới về/ Dặm đường cách trở sơn khê/ Điện Biên thắng lợi cha về bên con”. 

Diễn viên đã hóa thân rất ngọt vào nhận vật Đặng Bích Hà – người vợ hiền của Đại tướng ở hậu phương cùng hai con gái. Bà nói với chồng: “Anh Giáp ơi! Con gái Võ Hòa Bình đã 3 tuổi, con Võ Hạnh Phúc lon ton chạy theo chị…”. Bà ngập ngừng thông báo tin vui sau lần ông về thăm đã hình thành một giọt máu hồng, một sinh linh bé bỏng đang dần lớn lên trong mình: “Lần này, em thấy trong người lạ lắm anh ạ. Dấu hiệu này có thể em sinh con trai. Nếu sinh con trai, chúng mình sẽ đặt tên con là Võ Điện Biên anh nhé”.

Vở diễn thể hiện rất rõ cách xử lý tài tình của đạo diễn phối hợp giữa tính sử thi hoành tráng và sự bình dị trong tâm hồn Đại tướng. Qua đó, hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp hiện lên với tầm vóc là một thiên tài quân sự, một con người ấm áp, nhân văn như một huyền thoại.

3. Các diễn viên được chọn vào các vai: Đại tướng (NSND Trịnh Minh Tiến), Bích Hà (nghệ sĩ Quỳnh Sen), Tô Vĩnh Diện (nghệ sĩ Đức Phú), cô Liễu (nghệ sĩ Thanh Nga)… đều thể hiện khả năng diễn xuất và đặc biệt là giọng hát các làn điệu chèo.

Vào vai Đại tướng trong vở diễn, NSND Trịnh Minh Tiến đã thể hiện thành công từ khuôn mặt, giọng nói, dáng đi, cử chỉ, điệu bộ, giọng nói… và đặc biệt giọng hát của nghệ sĩ trong các đoạn rất truyền cảm, thuyết phục. Anh tìm hiểu nhân vật rất kỹ, nên cách diễn tự nhiên toát lên thần thái, hồn cốt, phong thái của người anh hùng rất đỗi bình dị, gần gũi. Các câu, đoạn, lời hát đằm thắm, da diết và thấm đẫm chất trữ tình, khắc họa hình tượng Đại tướng trong chiến dịch Điện Biên Phủ với bản lĩnh và nhân cách trước một quyết định lịch sử.

NSND Thùy Linh thể hiện giọng hát nhẹ nhàng, ngọt ngào, da diết trong nước mắt xót đau trong cảnh ở bệnh viện tiền phương, khi người lính trước khi hi sinh có nguyện vọng được nghe câu hát ru của mẹ: “Nguyện ước mẹ hát ru con một khúc ca chèo. Tuổi thơ nghe mẹ hát năm nào nay tiễn con đi lệ rơi…”. Hai nghệ sĩ Đức Phú (vai Tô Vĩnh Diện), Thanh Nga (cô dân công Liễu) đã thể hiện xúc động giọng hát chèo trong trích đoạn đầy cảm xúc giữa Tô Vĩnh Diện và cô dân công đem lòng yêu anh.

Như khẳng định của Đại tá – NSND Nguyễn Quốc Trượng: “Chúng tôi hy vọng bằng ngôn ngữ nghệ thuật chèo truyền thống có thể khắc họa đậm nét hình tượng một vị tướng vì dân, vì nước, giỏi về nghệ thuật chỉ huy chiến dịch nhưng cũng rất đỗi bình dị, hết lòng thương yêu cấp dưới, xứng với danh xưng Anh Văn. Thông qua vở diễn còn lan tỏa lòng yêu nước, yêu nghệ thuật dân tộc tới thế hệ trẻ…”.

Vở chèo Đại tướng Võ Nguyên Giáp xứng đáng là công trình nghệ thuật điển hình trong năm 2024.

Vở chèo Đại tướng Võ Nguyên Giáp do một ê-kíp sáng tạo là những nghệ sĩ tâm huyết, trách nhiệm, tài năng: Đại tá, NSND Nguyễn Quốc Trượng – Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội – chỉ đạo nghệ thuật; Chủ nhiệm chương trình: Đại tá – NSƯT Vũ Thị Phương Thúy; đạo diễn – NSND Trịnh Thúy Mùi; trợ lý – NSND Tự Long; kịch bản – TS Nguyễn Đăng Chương; chuyển thể làn điệu chèo – Nguyễn Đức Minh; âm nhạc – nhạc sĩ Đào Tuấn Hải; thiết kế mỹ thuật – NSND Nguyễn Đạt Tăng; dạy hát – NSND Minh Thu; vũ đạo – NSƯT Hoài Anh và trên 100 cán bộ, chiến sĩ, diễn viên, nhạc công của Nhà hát Chèo Quân đội đã “cháy hết mình” cho vở diễn mang cảm hứng sử thi và trữ tình.

Exit mobile version